Tin Tức

Các Chi Nhánh

Liên kết

100 câu hỏi đáp về thủ tục hải quan_Part 2

Ngày 28/6/2016

  Câu hỏi 31: Trường hợp nào doanh nghiệp không được đưa hàng hóa về bảo quản?

Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nếu vi phạm quy định đưa hàng về bảo quản, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, người khai hải quan không được mang hàng về bảo quản:

1. Trong thời gian 01 năm kể từ ngày bị xử phạt về hành vi tự ý phá dỡ niêm phong; tráo đổi hàng hóa, tự ý đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng; bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đăng ký với cơ quan hải quan.

2. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị xử phạt về hành vi vi phạm bị lập biên bản nếu vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai có trách nhiệm lập danh sách doanh nghiệp vi phạm không được mang hàng về bảo quản gửi về Cục Hải quan để thông báo áp dụng chung trên toàn quốc.


Câu hỏi 32: Giải phóng hàng là gì? Thủ tục giải phóng hàng trong trường hợp chờ xác định trị giá thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Giải phóng hàng thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Hải quan năm 2014, Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 33 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

1. Giải phóng hàng hóa là việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa đủ điều kiện để được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng chưa xác định được số thuế chính thức phải nộp.

b) Người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan.

Trong trường hợp giải phóng hàng, doanh nghiệp được toàn quyền định đoạt hàng hóa trong khi chờ hoàn tất các thủ tục và Quyết định thông quan.

2. Trường hợp giải phóng hàng hóa chờ xác định trị giá hải quan, thủ tục giải phóng hàng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và trường hợp người khai hải quan yêu cầu tham vấn:

a.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

- Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan.

- Thực hiện nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai.

- Thực hiện các thủ tục về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tham vấn theo quy định tại Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

a.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc giải phóng hàng hóa theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

- Thực hiện các thủ tục về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tổ chức tham vấn theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

b) Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu:

b.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

- Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC (khai rõ trường hợp giải phóng hàng).

- Thực hiện kê khai, tính thuế theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định:

+ Trường hợp không chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định, ghi rõ “đề nghị giải phóng hàng” tại ô “ghi chép khác” trên tờ khai hải quan đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai giấy; thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế theo trị giá do cơ quan hải quan xác định để giải phóng hàng hóa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan thủ công, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

+ Trường hợp chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định thì thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan, nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế phải nộp để cơ quan hải quan quyết định thông quan theo quy định.

b.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ cơ sở dữ liệu trị giá, nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định trị giá, thông báo cho người khai hải quan (qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 02B/TBXĐTG/TXNK phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy) để làm cơ sở tính thuế; quyết định việc giải phóng hàng hóa hoặc thông quan theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

- Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa nếu người khai hải quan không thực hiện khai báo trị giá hải quan, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định tại Điều 34 Thông tư 38/2015/TT-BTC trên cơ sở người khai hải quan nộp đủ số tiền thuế theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định theo quy định tại điểm b.2.1 nêu trên.

Câu hỏi 33: Trường hợp giải phóng hàng chờ kết quả giám định, phân loại hàng hóa thì thủ tục giải phóng hàng thực hiện như thế nào?

Trả lời:
1. Trách nhiệm của người khai hải quan

a) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên Tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan.

b) Thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai, tự tính thuế.

c) Thực hiện khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

a) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện giải phóng hàng và phản hồi cho người khai hải quan.

b) Căn cứ kết quả giám định, phân loại, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo cho người khai hải quan để khai bổ sung (nếu có).

c) Trường hợp phải khai bổ sung mà người khai hải quan không thực hiện việc khai bổ sung thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định tại điểm b.7 khoản 3 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

d) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ đề nghị của người khai hải quan, hồ sơ hải quan để quyết định việc giải phóng hàng.


Câu hỏi 34: Thông quan là gì? Hàng hóa được thông quan trong các trường hợp nào?

Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014, thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.

Theo Điều 37 Luật Hải quan, Điều 34 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, hàng hóa được thông quan trong các trường hợp sau đây:

1. Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan khi được xác định:

a) Được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn tại Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hoặc

b) Thuộc diện phải nộp thuế trước khi thông quan mà chưa nộp, hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp.

3. Thiếu một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đồng ý cho gia hạn thời gian nộp bản chính theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

4. Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được thông quan khi hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định và có một trong các chứng từ dưới đây:

a) Giấy thông báo miễn kiểm tra.

b) Kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

c) Kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với lô hàng được phép nhập khẩu.

5. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa nộp thuế, trong thời gian chờ làm thủ tục xét miễn, miễn thuế, không thu thuế được thông quan trong trường hợp sau:

a) Hàng hóa phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng, nộp đủ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

b) Hàng hóa phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại nộp đủ các loại thuế có liên quan theo quy định của pháp luật đối với trường hợp thuộc đối tượng chịu thuế.

c) Hàng hóa được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số tiền thuế chưa được thanh toán từ ngân sách nhà nước.

Câu hỏi 35: Cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu là gì?

Trả lời:
Theo Điều 53 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng chuyển tải, khu chuyển tải; hàng hóa cung ứng cho tàu biển, tàu bay xuất cảnh; hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển cùng với người xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho CFS là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được công chức hải quan xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống khi hàng hóa vận chuyển qua biên giới sang nước nhập khẩu.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất là tờ khai hàng hóa xuất khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

4. Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy:

a) Đối với hàng hóa quy định tại điểm 1, điểm 2 nêu trên là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và có xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát (ghi ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu công chức) của công chức hải quan cửa khẩu xuất. Riêng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng hóa đã thực xuất khẩu.

b) Đối với hàng hóa quy định tại điểm 3 nêu trên là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan.


Câu hỏi 36: Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa nào? Thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Theo Điều 64 Luật Hải quan năm 2014, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa quá cảnh và hàng hóa chuyển cửa khẩu.

Khi vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan phải khai tờ khai vận chuyển hàng hóa; nộp hoặc xuất trình chứng từ theo quy định.

Cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai vận chuyển hàng hóa, kiểm tra các chứng từ và hàng hóa do người khai hải quan xuất trình để quyết định cho phép vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.

Trong thời gian vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, nếu người khai hải quan thực hiện việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác thì phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan hải quan trước khi thực hiện. Cơ quan hải quan có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo của người khai hải quan.


Câu hỏi 37: Hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm những hàng hóa nào?

Trả lời:
Theo Điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm các loại hàng hóa sau:

1. Hàng hoá xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.

2. Hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu phi thuế quan.

3. Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho hàng không kéo dài đến cửa khẩu xuất.

4. Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận tải đơn hoặc kho hàng không kéo dài hoặc địa điểm thu gom hàng lẻ hoặc đến cửa khẩu khác.

5. Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan.

6. Hàng hóa vận chuyển từ khu phi thuế quan đến cửa khẩu xuất, kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc đến các khu phi thuế quan khác.

7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.


Câu hỏi 38: Thủ tục hải quan vận chuyển độc lập được áp dụng đối với hàng hóa nào? Hồ sơ bao gồm những loại chứng từ gì?

Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục hải quan vận chuyển độc lập được thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi và áp dụng đối với các hàng hóa sau:

- Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ đất liền Việt Nam.

- Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho hàng không kéo dài đến cửa khẩu xuất.

- Hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận tải đơn hoặc kho hàng không kéo dài hoặc địa điểm thu gom hàng lẻ hoặc đến cửa khẩu khác.

Hồ sơ hải quan bao gồm các chứng từ sau đây:

1. Tờ khai vận chuyển độc lập theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mục 6 Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Vận tải đơn, trừ trường hợp hàng hóa vận chuyển qua biên giới đường bộ không có vận tải đơn: 01 bản chụp.

3. Giấy phép quá cảnh đối với trường hợp hàng quá cảnh phải có giấy phép: 01 bản chính.

Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép quá cảnh dưới dạng điện tử thông qua Hệ thống thông tin tích hợp, người khai hải quan không phải nộp bản chính giấy phép khi làm thủ tục hải quan.

Trường hợp hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ, cảng xuất khẩu, nhập khẩu được thành lập ở nội địa đến cửa khẩu xuất để xuất đi nước ngoài thì không phải nộp vận tải đơn, giấy phép quá cảnh.


Câu hỏi 39: Doanh nghiệp thông báo cơ sở gia công, sản xuất trong trường hợp nào?

Trả lời:
Theo Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc thông báo cơ sở gia công, sản xuất được thực hiện như sau:

Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư đầu tiên để thực hiện gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân nộp Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục báo cáo quyết toán các chứng từ sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 01 bản chụp.

2. Văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC: 01 bản chính.

Trường hợp có sự thay đổi về các nội dung trong văn bản thông báo thì phải thông báo cho cơ quan hải quan biết trước khi thực hiện;

3. Hợp đồng thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất đối với trường hợp thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất: 01 bản chụp.

Tổ chức, cá nhân không phải nộp các chứng từ trên khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.


Câu hỏi 40: Trường hợp nào cơ quan hải quan kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất? Thời gian kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất là bao lâu?

Trả lời:
Theo Điều 37 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Tổ chức cá nhân thực hiện hợp đồng gia công lần đầu.

2. Tổ chức cá nhân lần đầu được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

3. Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân không có cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất.

Việc kiểm tra được thực hiện sau 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra. Thời gian kiểm tra không quá 05 ngày làm việc.

Câu hỏi 41: Nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất bao gồm:

1. Kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất: kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất ghi trong văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hoặc ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị:

a) Kiểm tra chứng từ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất; kho, bãi chứa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.

b) Kiểm tra quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị, số lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở gia công, sản xuất; kiểm tra tình trạng hoạt động, công suất của máy móc, thiết bị.

Khi tiến hành kiểm tra, cơ quan hải quan kiểm tra các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu); hoá đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước); hợp đồng thuê tài chính (trường hợp thuê tài chính); hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trường hợp đi thuê). Đối với hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng thì thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm.

3. Kiểm tra tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất thông qua hợp đồng ký với người lao động hoặc bảng lương trả cho người lao động.

4. Kiểm tra thông qua Hệ thống sổ sách kế toán theo dõi kho hoặc phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất, tồn kho lượng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.

Câu hỏi 42: Việc kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị được áp dụng trong các trường hợp nào?

Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, khoản 1 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, việc kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Khi xác định tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhưng quá chu kỳ sản xuất không có sản phẩm xuất khẩu.

2. Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất.

3. Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân bán nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai hải quan.

4. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế.


Câu hỏi 43: Nội dung kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, khoản 2 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, nội dung kiểm tra tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị bao gồm:

1. Kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế (đối với trường hợp kết hợp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế), báo cáo quyết toán, chứng từ kế toán, sổ kế toán, chứng từ theo dõi nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập kho, xuất kho và các chứng từ khác người khai hải quan phải lưu theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

2. Kiểm tra định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu và các chứng từ liên quan đến việc xây dựng định mức.

3. Kiểm tra tính phù hợp của sản phẩm xuất khẩu với nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu.

4. Trường hợp qua kiểm tra các nội dung quy định tại điểm a, b, c khoản này mà cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì thực hiện:

a) Kiểm tra nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trên dây chuyền sản xuất.

b) Kiểm tra số lượng hàng hóa còn tồn trong kho.

c) Kiểm tra số lượng thành phẩm chưa xuất khẩu.

Câu hỏi 44: Thời hạn và địa điểm nộp báo cáo quyết toán đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất được quy định như thế nào? Doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán tại đâu?

Trả lời:
Theo Khoản 1, khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thời hạn va địa điểm nộp báo cáo quyết toán được quy định như sau:

1. Thời hạn nộp báo cáo: Định kỳ hàng năm, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu trong năm tài chính cho cơ quan hải quan.

2. Địa điểm nộp báo cáo: Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC hoặc Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.


Câu hỏi 45: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện báo cáo quyết toán như thế nào?

Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây trong việc thực hiện báo cáo quyết toán:

1. Nộp báo cáo quyết toán

a) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

Nộp báo cáo quyết toán theo nguyên tắc tổng trị giá nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống. Báo cáo quyết toán phải phù hợp với chứng từ hạch toán kế toán của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra sản phẩm sau đó bán sản phẩm cho tổ chức, cá nhân khác để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu và tổ chức, cá nhân xuất khẩu phải báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều này.

b) Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài:

Trường hợp tổ chức, cá nhân theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do bên đặt gia công cung cấp, máy móc, thiết bị thuê mượn để thực hiện hợp đồng gia công, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh tại tài khoản ngoài bảng hoặc trên Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân thì nộp báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL đối với nguyên liệu, vật tư và mẫu số 16/BCQT-MMTB/GSQL đối với máy móc, thiết bị ban hành kèm theo Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Trường hợp Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân theo dõi chi tiết lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được sử dụng kết quả kết xuất từ Hệ thống của tổ chức, cá nhân để lập báo cáo quyết toán đối với phần hàng hóa không quản lý theo trị giá này.

c) Đối với DNCX báo cáo quyết toán được lập theo nguyên tắc nêu tại điểm a, b nêu trêntương ứng với loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc gia công.

2. Lập và lưu trữ sổ chi tiết nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó ghi rõ số tờ khai hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu, vật tư.

3. Lập và lưu trữ sổ chi tiết sản phẩm xuất kho để xuất khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán, kiểm toán, trong đó xác định rõ xuất khẩu theo số hợp đồng, đơn hàng.

4. Lập và lưu trữ chứng từ liên quan đến việc xử lý phế liệu, phế phẩm.

5. Xuất trình toàn bộ hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan đến nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu khi cơ quan hải quan kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.


Câu hỏi 46: Thời hạn xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực được quy định như thế nào?

Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính

1. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, tổ chức, cá nhân phải thực hiện xong thủ tục hải quan để giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm (nếu có).


Câu hỏi 47: Hình thức xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực bao gồm những hình thức nào?

Trả lời:
Thực hiện theo Khoản 2 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính:

Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và nội dung thoả thuận trong hợp đồng gia công, việc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được thực hiện như sau:

a) Bán tại thị trường Việt Nam.

b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài.

c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.

d) Biếu, tặng tại Việt Nam.

đ) Tiêu huỷ tại Việt Nam.


Câu hỏi 48: Thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài kết thúc hoặc hết hiệu lực được thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Theo Khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục xử lý như sau:

1. Thủ tục hải quan bán, biếu tặng nguyên liệu, vật tư dư thừa ngoài định mức, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường Việt Nam:

a) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là bên nhận gia công thì làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

b) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là tổ chức, cá nhận khác tại Việt Nam thì làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục xuất trả nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tạm nhập gia công ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực thực hiện như thủ tục xuất trả ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

3. Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực, thực hiện theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

4. Tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:

a) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu huỷ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

c) Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêu hủy, cơ quan hải quan không thực hiện giám sát.

5. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa do tổ chức, cá nhân tự cung ứng bằng hình thức nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình gia công, sau khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực:

a) Trường hợp bên đặt gia công đã thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư thì thời hạn, hình thức xử lý thực hiện theo quy định trên.

b) Trường hợp bên đặt gia công chưa thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư thì đăng ký tờ khai mới và làm thủ tục theo quy định tại Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

6. Đối với các hợp đồng gia công có cùng đối tác đặt gia công và cùng đối tác nhận gia công, tổ chức, cá nhân được bù trừ nguyên liệu cùng chủng loại, cùng quy cách, phẩm chất.

7. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế.

 

Câu hỏi 49: Nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công sau khi kết thúc hợp đồng gia công được xử lý theo những hình thức nào?

Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 69 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý theo các hình thức sau:

1. Bán, biếu tặng, tiêu huỷ tại thị trường nước ngoài.

2. Nhập khẩu về Việt Nam.

3. Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại nước ngoài.


Câu hỏi 50: Thủ tục xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công sau khi kết thúc hợp đồng gia công được thực hiện như thế nào?

Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 69 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, thủ tục xử lý như sau:

1. Việc bán, biếu tặng, tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị đưa ra nuớc ngoài để thực hiện hợp đồng gia công thực hiện theo quy định tại nước nhận gia công. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc thiết bị, người khai hải quan đăng ký tờ khai hải quan mới và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục hải quan nhập khẩu về Việt Nam:

a) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị được xuất khẩu từ Việt Nam; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư xuất khẩu từ Việt Nam thì thực hiện thủ tục tái nhập.

b) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị mua ở nước ngoài; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư mua từ nước ngoài thì thủ tục hải quan thực hiện như đối với lô hàng nhập khẩu thương mại.

c) Đối với lô hàng máy móc, thiết bị thuộc diện phải kiểm tra thực tế hàng hóa, khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan thực hiện đối chiếu chủng loại, ký, mã hiệu của máy móc, thiết bị ghi trên tờ khai tạm xuất với máy móc, thiết bị tái nhập trở lại.

3. Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác:

Tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán, nội dung thông báo gồm: tên, quy cách, phẩm chất nguyên liệu, vật tư; lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn thuộc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm được chuyển sang hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm ký với đối tác nước ngoài (ghi rõ tên bên nhận gia công ở nước ngoài).