Tin Tức

Các Chi Nhánh

Liên kết

Kiểm tra chuyên ngành: Cần kéo các bộ, ngành tích cực vào cuộc

Ngày 28/6/2016

  (HQ Online)- Mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK ngang bằng với các nước ASEAN-6 theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng không còn xa. Tuy nhiên, trước những rào cản vẫn còn hiện hữu đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đòi hỏi các bộ, ngành cần phải có sự đổi mới, tích cực, chủ động hơn nữa từ nhận thức đến hành động.

Theo quy định, để được thông quan hàng hóa XNK, người khai hải quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về thông quan hàng hóa quy định tại Luật Hải quan 2014, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Thú y 2015, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013… Tùy từng trường hợp cụ thể, để thông quan hàng hóa, DN phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ liên quan như: Giấy phép (đối với hàng hóa XNK phải có giấy phép), giấy tờ về kết quả kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế), văn hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với hàng hóa XNK. Cơ quan Hải quan sẽ tiến hành thông quan hàng hóa khi người làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế và xuất trình giấy phép hoặc văn bản đồng ý của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Để tạo điều kiện cho DN, giảm chi phí lưu kho, bãi, tại điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, cho phép DN sau khi hoàn thành việc kiểm tra hải quan người làm thủ tục NK được đưa hàng về bảo quản (trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành). Sau khi có kết quả sẽ nộp cho cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa.

Chẳng hạn như mặt hàng thép. Để NK mặt hàng này, liên Bộ Công Thương và Khoa học Công nghệ mới đây đã có Thông tư 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng theo sản xuất trong nước và thép NK. Trong đó yêu cầu cơ quan Hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân NK cung cấp bản Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa NK đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Hay đối với hàng dệt may, muốn NK, DN phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng formadehyt theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may… Đối với các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan hàng hóa hiện nay theo quy định của các văn bản Luật; Nghị định còn có hướng dẫn của 14 bộ, ngành. Tổng số có khoảng: 235 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành (20 Luật, pháp lệnh; 48 Nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 167 Thông tư, quyết định của các bộ, ngành); trên 200 Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa.

Việc quy định quản lý chuyên ngành là cần thiết để quản lý hàng hóa XNK, đảm bảo chất lượng hàng hóa NK và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế để xin được kết quả kiểm tra ở một số mặt hàng, bộ ngành không hề đơn giản (!). Việc này xuất phát từ cách thức quản lý đối với một số loại hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đang bị đánh đồng bằng phương pháp “chặt chẽ” với số lượng văn bản pháp luật điều chỉnh rất lớn, chồng chéo, chưa đầy đủ, rõ ràng… mà chưa có sự phân loại theo hướng quản lý rủi ro để áp dụng cho từng loại hàng hóa.

Phải đổi mới từ nhận thức

Trước thực trạng như vậy, trong những năm gần đây, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) liên tiếp đề nghị các bộ, ngành có động thái đổi mới phương pháp quản lý chuyên ngành. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành và trình các cấp để Thủ tướng Chính phủ ban hàng Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Trong đó, nhiều phương pháp đổi mới đã được đưa ra từ việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương pháp áp dụng quản lý rủi ro cho tới đầu tư cơ sở vật chất. Để cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra trong Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp cho ra đời các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các khu vực cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn, nhằm rút ngắn thời gian lấy mẫu, thông quan hàng hóa cho DN. Một số bộ, ngành đã có nhiều động thái đổi mới như tích cực thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong Cơ chế một cửa quốc gia như Bộ Giao thông vận tải; hay việc bãi bỏ thủ tục kiểm dịch thực vật XK, tái XK của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tuy nhiên, không phải bộ, ngành nào cũng có tư tưởng “đổi mới”, bởi những lo ngại về chất lượng hàng hóa khi NK vào nội địa. Ví dụ như mặt hàng phải dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Trước những bất cập trong việc quản lý các loại hàng hóa thuộc diện này, cơ quan Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương (Tổng cục Năng lượng) cần có biện pháp tháp gỡ. Hiện nay, kết quả kiểm tra của lô này không được áp dụng cho lô sau mặc dù lô hàng NK giống hệt, cùng số model/serial, cùng nhà sản xuất, xuất xứ. Tại một cuộc họp với Tổng cục Năng lượng mới đây, ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng với những công ty lớn chắc chắn việc thay đổi model, mẫu mã phải theo chu kỳ hoặc theo năm. Nếu lô hàng nào nhập về đều phải lấy mẫu đi kiểm tra hoàn toàn đi ngược chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, không tạo điều kiện cho DN, tốn thêm thời gian và chi phí. Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, DN được sử dụng Phiếu chứng nhận kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các lô hàng có cùng các thông số về tên hàng, số model/serial, xuất xứ, nhà sản xuất để làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng tiếp theo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác khi khai báo NK hàng hóa. Bên cạnh đó, những văn bản hướng dẫn thủ tục đối với các loại hàng hóa phải dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu thì vẫn quá thiếu cụ thể và rõ ràng.

Hay Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương vẫn chưa được tháo gỡ hết những bất cập trước đây. Có trường hợp mặt hàng mẫu NK không nhằm mục đích tiêu dùng lại chưa được hướng dẫn rõ có thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng theo quy định tại Thông tư 37/2015/TT-BTC hay không…

Rõ ràng với rất nhiều bất cập trong hoạt động quản lý hàng hóa chuyên ngành, đòi hỏi các bộ, ngành phải chủ động và đổi mới hơn nữa để đạt mục tiêu giảm thời gian thông quan như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Cơ quan Hải quan với vai trò là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp giám sát thực hiện Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK sẽ tiếp tục có những hoạt động đổi mới để cùng thực hiện mục tiêu đã đề ra.