Tin Tức

Các Chi Nhánh

Liên kết

Hải quan điện tử giúp nâng hiệu suất xuất nhập khẩu

Ngày 18/6/2013

 

 
 
Hoạt động nghiệp vụ theo quy trình thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long (Hà Nội). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Sau 7 năm triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử, đầu tháng 1/2013, ngành hải quan chính thức công bố mở rộng phương thức này trên phạm vi toàn quốc. 

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên toàn quốc sẽ giúp ngành hải quan thực hiện quản lý một cách hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng khả năng cạnh tranh.

 
Gần 42.000 doanh nghiệp
 
Việc thí điểm thủ tục hải quan điện tử được ngành hải quan triển khai từ năm 2005 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 9/2005-tháng 11/2009, giai đoạn 2 từ tháng 12/2009-12/2012. Trong giai đoạn đầu, việc triển khai phương thức này mới chỉ được thực hiện ở hai địa phương có lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn là Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trong giai đoạn đầu thí điểm, phương thức này đã thu hút được 669 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên hai địa bàn tham gia với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử là hơn 1,9 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, thành công ban đầu của hai địa phương trên là cơ sở để toàn ngành mở rộng áp dụng phương thức này đối với nhiều cục hải quan địa phương khác. Theo đó, việc thí điểm giai đoạn 2 thực hiện trên nguyên tắc tất cả các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu có nhu cầu đều được tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
 
Giai đoạn này, việc mở rộng không chỉ nằm ở số lượng mà ngay cả loại hình thực hiện cũng được mở rộng. Nếu ở giai đoạn 1, thủ tục hải quan điện tử mới chỉ được thực hiện với các loại hình: hàng hóa xuất  khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán; hàng hóa gia công, hàng hóa nhập sản xuất xuất  khẩu; hàng hóa chuyển cửa khẩu thì ở giai đoạn 2 đã mở rộng thêm 6 loại hình khác là chế xuất ưu tiên, tạm nhập tái xuất, xuất nhập khẩu dự án đầu tư, xuất nhập khẩu tại chỗ, xuất nhập khẩu trả lại, chuyển cửa khẩu. 
 
Kết thúc giai đoạn 2, thủ tục hải quan điện tử đã triển khai tại 21 cục hải quan với số doanh nghiệp áp dụng phương thức này lên tới 41.952 đơn vị với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua hình thức này là 250,4 tỷ USD.
 
Đánh giá việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở 2 giai đoạn trước, nhiều doanh nghiệp đều khẳng định phương thức quản lý hải quan này mang lại lợi ích thiết thực từ khâu khai báo cho đến việc xử lý thông tin hải quan. Tính toán chi phí sơ bộ khi thực hiện một thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan trước và sau khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho thấy tổng chi phí hàng năm mà các cá nhân và tổ chức tiết kiệm được là trên 20% .
 
Chị Bùi Lan, đại diện doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Phú Thọ khẳng định, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử có hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại, tạo sự thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trước kia, với cách làm thủ công là nộp hồ sơ tận nơi, lô hàng của doanh nghiệp chị mất cả ngày mới được thông quan thì nay chỉ cần từ 2-5 phút. Cách làm này giúp doanh nghiệp gửi tờ khai hải quan vào bất cứ giờ nào chứ không phải vào giờ hành chính như trước kia. Do đó, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian lấy hàng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trên, nhiều doanh nghiệp và cục hải quan địa phương cho rằng, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong thời gian qua vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào quy trình thông quan hàng hóa. Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử tại khâu tiếp nhận, xử lý các thông tin về lược khai hàng hóa trước thông quan chưa được tiến hành đồng bộ. Đánh giá của các đơn vị liên quan cho thấy, thủ tục hải quan điện tử thực chất chỉ là một phương thức thực hiện và chỉ có thể phát huy được hiệu quả tối đa nếu các chế độ quản lý hải quan được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế và năng lực thực hiện của các bên liên quan.
 
Mở rộng có kiểm soát
 
Mới đây, ngày 2/1, ngành hải quan đã công bố triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử trên toàn quốc theo đúng tinh thần của Nghị định 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định ra đời tạo hành lang pháp lý trong việc chuyển đổi phương thức quản lý truyền thống sang điện tử. Nó đánh một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành hải quan. Theo đó, các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử được tự động hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. 
 
Việc tự động hóa của khâu này giúp cơ quan hải quan tăng hiệu quả làm việc, giảm thiểu các tiêu cực xảy ra đồng thời đảm bảo minh bạch của các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại. Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan được quyền khai tất cả 24 giờ trên 7 ngày thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử cũng là 24 giờ/7 ngày. Việc tự động hóa tại nhiều khâu như trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại khi thực hiện khai báo (khai báo thông qua Internet); chi phí mua tờ khai hải quan; chi phí chuẩn bị bộ hồ sơ giấy; chi phí nhân lực …
 
Ông Trần Văn Hội, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như trình độ năng lực cán bộ để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 87/2012/NĐ-CP. Hiện nay, Hải quan Hải Phòng đã có một hệ thống thông quan điện tử thông suốt đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, đúng theo tiêu chí: chuyên nghiệp-minh bạch. 
 
Phía cơ quan hải quan đề nghị doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến công tác đào tạo nhân viên làm thủ tục hải quan từ nâng cao kiến thức, trình độ công nghệ thông tin cho đến kỹ năng khai báo. Khi thực hiện nghị định này, hệ thống chuẩn dữ liệu theo mã hàng đòi hỏi tờ khai doanh nghiệp đúng thì sản phẩm đầu ra của cả hải quan và doanh nghiệp mới đáp ứng đúng quy định.
 
Nói về vấn đề kiểm soát gian lận khi việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử được mở rộng, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tạo cơ hội cho một số đối tượng cố tình vi phạm pháp luật . Tuy nhiên, việc minh bạch hóa các quy định về hải quan sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng này. 

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp lý quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu, ngành hải quan sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro thông qua hoạt động kiểm tra sau thông quan. Những thông tin tình báo chuyên ngành do các bộ phận chức năng thực hiện cũng sẽ giúp ngành hải quan sớm có được thông tin về các lô hàng xuất nhập khẩu, những đối tượng cần kiểm soát, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
 
Đại điện của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan cũng cho biết, để thực hiện thủ tục hải quan điện tử đặc biệt là đối với hệ thống tự động thì dữ liệu khai của doanh nghiệp phải được cân nhắc rất kỹ. Những doanh nghiệp có sửa đổi tờ khai nhiều lần mà nội dung sửa đổi không mang yếu tố khách quan thì nên xem xét đến kỹ năng khai của doanh nghiệp để có ứng xử phù hợp. Đối với những nội dung sửa không liên quan đến chính sách mặt hàng (thuế…) trong vòng 60 ngày doanh nghiệp vẫn được tự sửa và bổ sung. Ngoài 60 ngày, doanh nghiệp phải chứng minh được nội dung sửa đổi với cơ quan hải quan là hợp lý, hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ bị xử phạt hành chính. 
 
Với việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định 87, việc phân luồng tự động sẽ được thực hiện nhanh chóng theo đúng nội dung tờ khai đầu vào cung cấp. Tuy nhiên, khi tờ khai đầu vào mà cơ quan hải quan thấy thiếu trung thực sẽ có biện pháp nghiệp vụ xử lý tiếp theo để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, cũng như trốn thuế./.
 
Hải Yến (TTXVN)