Tin Tức

Các Chi Nhánh

Liên kết

Sửa đổi Luật thuế XNK: Khắc phục mâu thuẫn với các văn bản khác

Ngày 18/6/2013

 (HQ Online)- Góp ý cho việc sửa đổi Luật thuế XNK, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cho rằng, Luật thuế XNK đã thực hiện một thời gian dài, bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập hoặc mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác ban hành sau như Luật Quản lý thuế, Nghị định 87/2010/NĐ-CP, Thông tư 194/2010/TT-BTC. Vì vậy, cần phải sửa một số quy định hiện hành…

Thống nhất cách hiểu về miễn thuế

Cục Hải quan Quảng Ninh và Đà Nẵng cho rằng, tại Luật thuế XNK cần bỏ một số điều bởi nó đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế, đơn cử như Điều 15 Luật thuế XNK quy định về thời hạn nộp thuế với hàng hoá XNK và Điều 23 Luật thuế XNK quy định mức nộp phạt bằng 0,1% số tiền nộp chậm tiền thuế, tiền phạt…

Cũng theo Hải quan Quảng Ninh, quy định về miễn thuế tại Khoản b, d Điểm 6 Điều 16 Luật thuế XNK không còn phù hợp với thực tế và chưa khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá trong nước. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng dẫn tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP cho phù hợp.

Phản ánh bất cập về miễn thuế quy định tại Điểm a,b Khoản 6 Điều 16, Cục Hải quan Quảng Bình cho biết, quy định “thiết bị, máy móc phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân” thì được miễn thuế. Tuy nhiên, vấn đề này gây tranh cãi nhiều trong thời gian vừa qua, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất, bởi “máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ” là tập hợp rất đa dạng máy móc, thiết bị để vận chuyển mà không chỉ bao gồm những phương tiện có bánh xe như ô tô… mà có thể là băng tải, đường ống hoặc tập hợp các máy móc, thiết bị khác được thiết kế và chế tạo nhằm mục đích vận chuyển chất rắn, lỏng… Mặt khác, chưa có quy định cụ thể của cơ quan chức năng để xác định thế nào là “máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ”. Do đó, theo Hải quan Quảng Bình, sửa đổi Luật thuế XNK lần này cần giải quyết được vấn đề trên để thống nhất trong cách hiểu và quá trình thực hiện miễn thuế nhằm tránh việc lợi dụng để trốn thuế.

Quy định cụ thể về giá tính thuế

Việc xác định trị giá tính thuế là vấn đề phức tạp, đồng thời liên quan đến vấn đề cam kết quốc tế, tuy nhiên, quy định giá tính thuế và tỷ giá tính thuế tại Điều 9 của Luật thuế XNK hiện nay chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 40/2007/NĐ-CP và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đưa ra ví dụ, Hải quan Quảng Ninh cho biết: Đối với hàng hoá XK trong hợp đồng có quy định giá bán tại cửa khẩu xuất, nhưng chưa cộng đủ các khoản phải cộng (chi phí vận tải đến cửa khẩu xuất, chi phí bốc hàng lên tàu… do người mua trả), điều này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế.

Cùng góp ý về vấn đề này, Cục Hải quan Quảng Bình cho rằng, Điểm 1 và 2 Điều 9 cần sửa đổi theo hướng “giá tính thuế đối với hàng hoá XNK được xác định theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan” để thay cho việc xác định giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng, được xác định theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng hoá NK hiện nay. Việc thay đổi này nhằm thống nhất và quy định về pháp luật trị giá hải quan đảm bảo với thực tế phát sinh về vướng mắc trong xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá XNK trong thời gian vừa qua.

Việc xác định giá tính thuế tại thời điểm tính thuế chỉ mới áp dụng tỷ giá quy đổi giữa USD nhưng chưa quy định tỷ giá tính chéo đối với các ngoại tệ khác. Do đó, cần bổ sung thêm quy định: “Đối với các đồng ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá tính chéo, được xác định theo nguyên tắc tỷ giá tính chéo giữa đồng USD với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa USD  với các ngoại tệ đó do Ngân hành Nhà nước công bố tại thời điểm đó”.

Sửa đổi quy định về khai bổ sung

Hải quan Đà Nẵng đề xuất, Khoản 2 Điều 19 cần bỏ hạn chế về thời gian 365 ngày đối với trường hợp hoàn thuế do nhầm lẫn nhằm đảm bảo quyền lợi của DN, bên cạnh đó, trường hợp này còn bị điều chỉnh bởi quy định về khai bổ sung. Hiện nay theo Thông tư 194/2010/TT-BTC thì không giới hạn thời gian khai bổ sung, tuy nhiên tại Khoản 2b Điều 34 Luật Quản lý thuế quy định thời gian khai bổ sung là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai. Do đó, khi sửa Luật thuế XNK cần quy định thống nhất.

Có cùng ý kiến trên, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, để có sự thống nhất giữa các văn bản quy định, cần chuyển Khoản 2 Điều 19 Luật thuế XNK sang điều khoản quy định về xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa, đồng thời bỏ phần quy định về thời hạn để được xử lý.

Có cùng ý kiến về quy định khai bổ sung, Cục Hải quan Quảng Nam cho rằng, Khoản 5 Điều 23 Luật thuế XNK thì thời hạn khai bổ sung sai sót về thuế là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan thì việc bổ sung, sửa chữa tờ khai đã đăng ký chỉ được thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hoặc miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện. Tại Khoản 2 Điều 68 Luật Hải quan quy định “trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai, nếu phát hiện có sự nhầm lẫn trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế thì phải báo cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục để điều chỉnh số thuế phải nộp”. Như vậy, cùng một nội dung nhưng hai Luật hiện hành không thống nhất với nhau.

Vì vậy, theo Hải quan Quảng Nam, cần sửa đổi Luật thuế XNK theo hướng tách 2 trường hợp khai bổ sung về thuế và khai bổ sung không thuộc nội dung về thuế để quy định thời hạn khai bổ sung cho phù hợp. Đối với trường hợp khai bổ sung mà không ảnh hưởng đến thuế và chính sách XNK thì cho phép khai bổ sung mà không cần giới hạn thời hạn. Đối với trường hợp khai bổ sung về thuế, thời hạn khai bổ sung sai sót về thuế là 60 ngày.

 

 

Tác giả bài viết: Thu Trang